Biển chiều và cát

Em mãi là hạt cát
Lặng im giữa biển chiều
Sóng lên màu nắng nhạt
Trong mắt ngời thương yêu

Những nhọc nhằn nắng hạ
Những lạnh lùng đêm đông
Cát vẫn màu của biển
Can trường giữa bão giông

Ta nhặt trong lòng cát
Những chai sạn cuộc đời
Gạn theo từng con sóng
Cho cát về tính khôi

Ta trở về bên cát
Nhặt những lời yêu thương
Gửi vào trong sóng nhạc
Nghe biển chiều vấn vương

Tháng 4/2017

Non nước lãng du

Image result for trẻ em cởi truồng vùng cao

Lãng du, lãng du….
Đâu rừng vàng, biển bạc?
Đất nước 4000 năm
Sao mắt Người ngơ ngác?
Mẹ Âu Cơ nước mắt lưng tròng.

Những con sông oằn mình ô nhiễm
Vảy cá mọc sừng,
Mắt cá chuyển màu thâm
Biển năm xưa nghe sóng vỗ rì rầm
Nay căm hận bọt trào lên xác cá

Lãng du, lãng du
Những cánh rừng bạt ngàn hát lời Đam San bất hủ
Thành nỗi đau trắng đất bạc màu.
Cơn mưa nhe răng hóa hung thần lũ dữ.
Rừng thiêng
ngàn tuổi, còn đâu?

Thủy điện giết sông, giết rừng rồi an toàn xả lũ
Nước hạ du lênh láng những phận người.
Lãng du ca khanh khách những giọng cười
Giữa khổ đau nhân gian khi miệng mình ngậm máu.

Non nước tui lãng du qua những tượng đài kỳ vĩ
Để trẻ thiếu áo quần lạnh ngắt mùa đông
Những ròng rọc vượt sông
Nhường tiền dựng nên bao trường ca nghìn tỉ

Bao kiếp người hoài thai trong cơn đau trần thế
Nên đứa bé chào đời phải khóc món nợ công
Bố Lạc Long Quân nuốt nước mắt vào lòng
Nghe mặn chát vị ngàn năm đất nước.

Những dự án bay vèo tiền chồng ngàn thước
Tiền của dân, từ thuế của dân
Chúng bạo tàn ăn, ăn những gì ăn được
Lãng du nào? Tui chỉ thấy lũ gian!

(Ngày đầu năm 2017)

Tương tư

Image result for sông chiều

Gặp nhau chi giữa đời thường
Phận duyên phải nợ giữa dương gian này
Rượu nồng uống cạn chưa say
Men tình chưa ngấm đã ngây hương tình

Sông đời nỗi nhớ chông chênh
Xoay con thuyền nhỏ giữa ghềnh tương tư
Đã không chín đợi mười chờ
Gieo chi ước hẹn đôi bờ nhân gian?

Xin đừng gán nợ đa đoan
Mà đèo bòng nỗi ăn năn nợ đời
Trao nhau dù chỉ nụ cười
Vẫn dâng màu mắt một trời nhớ thương

Em về xa, cõi mờ sương
Ta về với cõi vấn vương nỗi mình
Sương khuya đẫm đóa hoa quỳnh
Bâng khuâng đọng với chút tình, bâng khuâng.

Tháng giêng – 2017

Chiều tím Huế

Image result for Huế buồn

Huế vẫn vậy, luyến lưu từ dạo ấy
Một chút buồn để một chút xa xăm
Vẫn màu áo trinh nguyên thời thiếu nữ
Tím một thời hay tím cả trăm năm?

Em trở lại, thời gian chừng hóa đá
Trầm tích xưa thành địa chất lớp tầng
Ở mỗi lớp xới lên từng kỷ niệm
Cho người về đứng mãi giữa bâng khuâng

Thành quách cũ rêu phong mờ bóng nguyệt
Vết chân nào, sỏi đá những buồn trông
Kỷ niệm cũ viết lên thành cổ tích
Em, Con Đò, lỗi hẹn một dòng sông.

Ừ em nhé! Thời gian, màu huyền thoại
Như Hương Giang trôi mãi giữa trời chiều
Hãy giữ nhé! Yêu thương thời con gái
Cố đô buồn vẫn thắm một trời yêu!

 (ĐN tháng 11/2016)

Mẹ cha hắn

Truyện ngắn by Võ nhật Thủ

Hắn là thằng nghiện rượu mà là thuộc loại nghiện nặng. Mỗi lần say là hắn chửi, chửi đến độ hàng xóm chán hắn đến tận cổ. Hắn chửi chó chửi mèo, gặp chi cũng chửi. Không chửi hình như ngứa mồm. Có hôm hắn chửi đã đời rồi khóc trong đêm khuya nghe như mèo tru.
Vợ hắn cực với hắn bội phần. Tiền công ngày mấy đồng hắn về là nhậu. Nhậu say, chửi vợ, vợ hắn im thì chửi đã rồi thôi còn nói lại là xừng cồ, chửi tiếp có khi cho vợ ăn đòn.
Hắn nói vợ là con đàn bà dở hơi, không biết đẻ! Là vợ chồng 10 năm trời mà chẳng biết tiếng khóc trẻ con trong nhà.
Hắn đánh vợ, vợ khóc có khi khóc miết đến nỗi hắn tỉnh cơn say thấy vợ còn ngồi khóc , hắn hối hận. Bò xuống ngồi bên vợ dưới nền nhà hắn an ủi: Em tha thứ cho anh, anh say! Mà anh buồn quá! Ai cũng con cũng cái, em không đẻ được….
Vợ hắn nói như méo: Rứa bộ tui sinh được con là anh không say, không đánh không đập tui à?
Hắn cầm tay vợ nói như thề: Anh sẽ bỏ, sẽ thương sẽ… là người lương thiện!

Mẹ cha hắn! Vợ hắn thì chả bầu, chả bỉnh hắn thì lương khô chứ lương thiện! Hễ say lên lại mắng, lại nhiếc, lại đập.
Vợ hắn thấy đời đàn bà không sinh nở răng mà nhục! Sống với thằng chồng nghiện rượu răng mà nhục! Bữa nớ sau một trận đòn nhừ tử vô lý, vợ hắn xách cái nón, gói bộ áo quần để mặc xác hắn với cơn say rồi bỏ nhà ra đi.

Khi tỉnh dậy hắn không thấy vợ, hắn gọi, gọi ớn không ai thưa, hắn tru tréo, không ai đáp. Hắn hoảng đi hỏi hàng xóm. Hàng xóm ai cũng ghét cái bản mặt đã nghiện mà còn ác của hắn nên ai cũng nói cạnh, nói khóe là chồng rứa ở mần chi, đi tìm thằng khác sướng hơn.
Hắn về nhà, buồn ơi là buồn, hắn lang thang đi tìm, tìm không được rồi lại về, về thiếu vợ hắn nhớ lại mấy trận đòn dành cho vợ, hắn khóc.

Một tuần sau, vợ hắn mò về, tả tơi. Cứ tưởng hắn nện cho một trận tơi bời nhưng vừa vào nhà hắn chạy ra ôm chân vợ khóc hu hu… Hắn nói trong lời hối hận sâu xa là hắn có lỗi, lỗi vô cùng mà cả đời còn lại không ai thèm tha thứ. Hắn khóc, vợ cũng động lòng, hóa ra hắn còn biết thương vợ, biết ăn năn.
Đêm nớ hắn tỉnh táo ôm vợ trong niềm hạnh phúc vô biên vì cứ tưởng trên đời này hắn sẽ không còn vợ.

Ơ hay, sau cái đêm nớ, tháng sau vợ hắn nôn ọe, hắn không biết chi nửa đêm kêu bà hàng xóm, bả chạy qua thấy rứa mới mừng mà nói là vợ hắn có bầu. Lời bà hàng xóm giống như của trời cho từ trên trời rơi xuống. Không biết cái người trúng số 92 tỷ kia sung sướng tới mức mô chứ hắn trên đời ni vợ hắn mang bầu tương đương với vạn lần độc đắc. Hắn ôm vợ khóc bằng tiếng khóc hạnh phúc nhất của cuộc đời kể từ sau lần đầu tiên cất tiếng khóc chào đời. Vợ hắn thấy rứa mà thương, bà hàng xóm cũng động lòng đến rơi nước mắt.

Hôm sau, hắn đi mua một con gà về làm mâm cơm cúng tạ ông bà. Hắn mời mấy người hàng xóm qua vui với hắn cái tin mừng vợ có bầu.
Trong buổi nớ, hắn uống ly rượu thứ ba nói là ly cuối cùng, thề là từ nay không uống rượu nữa mà đem lòng chăm vợ.

Vợ hắn sinh được con trai. Xóm làng ai cũng mừng với hắn, vì từ ngày vợ hắn mang bầu hắn trở lại thành con người khác. Từ thằng nghiện Chí Phèo uống vô vừa đi vừa chửi, hắn lột xác trở thành một lão nông cần mẫn, lễ phép, biết điều. Ai cũng thấy lạ kỳ rồi thương mà quên hết cái đồ súc vật đã từng có trong người hắn.

Thằng Một, tức là tên thằng cu í! lớn lên có một người cha thương yêu. Nó tự hào về ba, về mẹ dù nhà nó nghèo phải sống chắt chịu. Sau này lớn lên nghe hàng xóm kể lại chuyện ba hắn từng say xỉn mà hắn quyết không tin.

Nó học giỏi, giỏi nhất xóm, hằng năm mang giấy khen về ba nó đóng khung treo đầy nhà để ai đến cũng khoe một phát: Thằng Một nhà tui năm ni thêm được cái giấy khen học sinh giỏi.

Thằng Một rời quê ra tỉnh học cấp ba học giỏi lắm! Ba năm sau nó vào đại học. Học ở tít tận trong Tp HCM. Nhà cửa có chi bán hết, đến con bò cái có chửa ba nó cũng bán cho nó mang đi. Trước hôm tiễn nó đi học, ba nó thức trắng đêm, Nỗi lo cho thằng Một làm ổng đốt hết cả gói thuốc. Sáng hôm sau nó dậy thấy ba mẹ hình như bàn chuyện chi quan trọng lắm! Cuối cùng ba nó tuyên bố là ổng theo nó vào Tp HCM. Nó cản nhưng ổng không nghe. Xuống quốc lộ 1 đón xe, hai cha con lên xe, nó nhìn lại mẹ đứng ở dưới mắt rưng rưng, thương lắm!

Hai cha con vào lạ cái, lạ nước rồi cuối cùng cũng tìm được chỗ trọ. Ngày nhập học số tiền còn lại đủ mua chiếc Wave tàu, ba hắn ra tìm mua ở chỗ cửa hàng ký gửi. Ổng xác định ở lại cùng con làm xe ôm để theo con với suốt hành trình đại học.

Tiền mẹ nó ở quê thỉnh thoảng cũng gửi vào nhưng không nhiều, hai cha con nương nhau nhờ vào những cuốc xe đi sớm về khuya của ba nó. Nhìn vai áo ba sờn, lưng áo ba bạc thếch vì mồ hôi mà thương ba lắm! Nhưng ba nó không than một lời. Bao nhiêu sức lực của cuộc đời ổng cày ải để cho con. Đến năm ba nó đi dạy kèm có thêm thu nhập nên hai cha con có khá hơn. Ba hắn dành dụm mua cho hắn chiếc xe máy để tiện đi học, đi làm. Thấy hắn cần laptop ổng cày, chạy thêm dành dụm sắm cho chiếc laptop.
Gần 4 năm ba hắn già khọm đi, hom hem mà hay ho hen lúc trái gió trở trời. Ngày gần thi tốt nghiệp ba hắn nói ba hắn phải về quê, vì bao năm theo con để mẹ côi cút một thân ở nhà.

Hắn đâu biết, khi ba hắn từ biệt hắn về quê là ổng đã lâm trọng bệnh, ổng biết bệnh gan do lỗi một thời nghiện rượu đã xâu xé ổng. Ổng không muốn con biết bệnh tình nên về quê sống với vợ trong những ngày hạnh phúc cuối đời.
Ngày cuối cùng cuộc đời ổng, ổng không cho hắn biết vì đang trong kỳ thi. Ổng qua đời trong giòng nước mắt của vợ, ổng mãn nguyện với cuộc đời này, cảm ơn vợ đã cho ông trở lại làm người bằng tấm lòng yêu thương và trách nhiệm. Vợ ổng ôm ổng khóc như chưa bao giờ được khóc.

Hắn đỗ tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi lại được một công ty nước ngoài tuyển dụng ngay tại lúc nhận bằng nên mừng lắm! Hắn về quê mang theo niềm vui vô bờ, tin rằng ba hắn sẽ ôm chầm hắn, mẹ hắn thì sẽ cười trong giòng nước mắt. Nhưng về tới nhà, nhà vắng hoe, hắn nhìn lên bàn thờ khói hương nghi ngút có tấm ảnh bán thân của ba hắn mới té ngữa sụp xuống nền nhà khóc thảm. Nghe mẹ kể lại ba hắn quyết không cho mẹ báo tin lúc lâm chung mà hắn không chịu nỗi. Hắn vấn chiếc khăn tang mà thầm khóc: Ba ơi! Con bất hiếu!
Nhưng ba hắn hiểu hắn. Bức di ảnh như lung linh trong làn hương quyện tỏa khi hắn đặt trên bàn thờ kết quả học tập thay cho lời báo hiếu.

Cuộc đời của thằng Một được lột xác, thăng tiến. Hắn được đánh giá là nhân viên năng lực được đề bạt chức này, chức kia trong tập đoàn. Ba năm dạnh dụm hắn đã sắm được nhà định mang mẹ vào để mẹ con gần gũi nhưng mẹ hắn cứ chối là không đi. Bả nói phải ở lại quê để lo mồ mả, hương khói cho ba hắn. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời hắn đành để mẹ một mình ở quê còn mình vào sống và làm việc ở Tp HCM. Năm sau hắn về làm lại nhà cho mẹ xây lại mả cho ba. Thỉnh thoảng ngày tết, ngày lễ hắn về quê với mẹ, về thắp hương, sửa mộ cho ba. Mẹ hắn vui lắm! Tự hào với hàng xóm về thằng Một lắm!

Đùng một phát hắn phải hủy chuyến công tác nước ngoài vì mẹ hắn điện thoại bị ốm nặng. Hắn bay về. Mẹ bị nặng rồi, ung thư giai đoạn cuối. Làng quê răng mà ung thư nhiều rứa không biết! Ba hắn mất cũng vì ung thư, chừ đến lượt mẹ hắn bỏ hắn mồ côi với cuộc đời cũng bệnh ung thư. Hắn về chăm mẹ đâu được nửa tháng mẹ hắn qua đời. Trước ngày ra đi mẹ hắn dặn dò là những gì để lại bà đã bỏ trong cái tráp trong tủ. Mẹ hắn đi trong tiếng hắt nhẹ nhàng vì với bả cuộc đời này đã có nhiều niềm đau nhưng từ khi có hắn bả được quá nhiều hạnh phúc.

Mộ mẹ hắn nằm bên mộ ba, hắn thắp nén hương khấn hai người, khấn hương hồn ba rằng từ nay mẹ đã về với ba. Cõi tạm hạnh phúc hai người ngắn ngủi thì cõi vình hằng sẽ mãi mãi thủy chung.

Trước khi bay vô Tp HCM, hắn lục tìm những di tịch ba mẹ để lại để mang đi. Hắn mở tráp ra. Không có chi cả, chỉ có một bức thư với nét chữ ngoằn ngoèo của mẹ:

Gửi Một của mẹ.
Hắn ngạc nhiên bóc thư ra, dòng chữ như run run từ bàn tay vụng về.

Một con.
Con đọc bức thư này hãy tha thứ cho mẹ. Đây là điều gửi lại với cuộc đời con xem như là điều bí mật.
Con không phải là con của ba con. Ba con vì bị bệnh từ nhỏ nên không thể có con….
Tim hắn như ngừng đập, tại răng, tại răng?… mắt hắn mờ đi như không còn tin vào thị giác trước những con chữ run rẫy.
…. Hôm đó ba con trong cơn say đánh đập mẹ, mẹ đã hận ông, hận cuộc đời này, mẹ đã bỏ đi. Mẹ đón xe vào phía nam, không biết về đâu. Đến nửa đêm xe bị hỏng dừng lại. Mẹ xuống xe đi mãi, đi mãi đến một cây cầu. Nghĩ lại cuộc đời mình không còn ý nghĩa gì để sống, mẹ nhảy xuống cầu tự tử.

Nhưng ông trời không cho mẹ chết, Một người đàn ông chăn vịt gần đó phát hiện và đã cứu mẹ. Mẹ về với chòi vịt ông ấy, sống với ông ấy một tuần. Biết được hoàn cảnh của mẹ ổng thương, ổng khuyên mẹ phải sống, khuyên mẹ phải quay về.
Đêm chia tay mẹ không có gì đền đáp nên đã sống với ổng trọn một đêm như nghĩa vợ chồng.
Người đàn ông ấy mới chính là ba con, ổng đã cứu sống mẹ, cứu đời mẹ. Đã cho con với mẹ, và ổng đâu biết rằng ổng đã cứu ba con ra khỏi xác người dạ thú để tìm lại tư cách của một một người cha.
Con hãy tìm về chiếc cầu ấy, dòng sông ấy, cầu Sông Ba nơi ông ấy đã cứu mẹ. Ở đó người ta gọi ổng là ông Bảy.
Con tìm lại ổng nói hộ giùm mẹ và ba lời cám ơn. Con hãy trân trọng tình cảm của người cha này con nhé!

Mẹ và ba rất thương con.

Hắn cứ bần thần, giòng nước mắt chảy dài, hóa ra cuộc đời này có những bí mật thật diệu kỳ. Hắn thắp nén hương trên bà thờ thì thầm cùng ba mẹ: Ba mẹ ơi, ba mẹ thật tuyệt vời! Cuộc đời con, với ba ngày còn sống là điều bí mật nhưng chốn cửu tuyền giờ ba đã biết, đã hiểu và con chắc ba đang mỉn cười cầm tay mẹ. Hãy tha thứ cho mẹ ba nhé!

Rứa là hắn lại hoãn chuyến bay, đón xe vào Phú Yên tìm đến cầu Sông Ba.

Hắn mới đi ngày hôm qua, không biết có tìm được người cha đã cho hắn sinh ra với cuộc đời này hay không, đến chừ tui không biết.

Cô Chủ Nhỏ

Truyện ngắn: By Võ nhật Thủ

Tui là chó. Đúng nghĩa là chó như con người gọi họ nhà có 4 chân và biết sủa như chúng tui.Tui không biết họ hàng nhà tui là ai? Tui chỉ biết ai là người thương tui chăm tui, tui gọi là chủ. Thuộc tính họ chó nhà tui như rứa!

Tuổi thơ của tui, ngắn ngủi mà buồn tủi lắm! Trong bốn anh em sinh ra, tui là đứa cọc còi. Mấy đứa anh, đứa chị dành bú hết, cắn tui nữa. Chúng tham ăn, tham bú lắm! Dành hết phần nên tui bị “xi cà hoe” ngay ở tuần mới mở mắt. Thiếu ăn, thiếu bú không lớn nổi nên tui bị bọn vi trùng ghẻ lỡ hoành hành. Tui thành con chó con gớm ghiếc. Lão chủ thấy tui ghét tui, tránh tui như đám người sợ hủi. Một buổi tối lão quyết định bắt tui xa đàn, lão mang tui, chạy xe máy đến một ngã tư vứt tui ở đó rồi chạy đi.

Nếu con người ai đã từng là kẻ mồ côi, xin ăn chắc hiểu được tâm trạng tui lúc nớ. Một con chó con mới mấy tuần tuổi đã phải xa mẹ, bị vất ra giữa nơi xa lạ ồn ào xe cộ. Tui không dám xuống đường vì dòng người và xe có thể cán dập đầu tui bất cứ lúc nào. Tui chạy lon ton dọc theo hè phố, hồi nớ tui không biết chi ý thức nhưng bản năng sinh tồn của loài chó khiến tui phải chạy, phải kêu. Càng kêu càng đói. Tui đói sữa, đói ăn. Tiếng kêu tui mỗi lúc một yếu dần. Dòng người đi qua nghe tiếng kêu cũng chỉ nhìn tui thương hại, thậm chí có người phun nước miếng vì thân hình lở lói gớm ghiếc của tui.

Khuya. Người thưa dần, thưa dần. Những hi vọng cuối cùng mong một ai đó dừng lại bố thí cho tui chút thức ăn, hay cái chi đó dần tuyệt vọng. Hồi nớ tui không có khái niệm chết, vì không biết chết là chi nhưng sợ, sợ lắm! Vì từ khi mở mắt với đời, dù bị hắt hủi tui vẫn có mẹ, có anh chị, có tiếng sủa, tiếng đòi ăn, đòi bú quen thuộc. Còn bi chừ, một thân đơn độc, lạnh cóng. Trời lại đổ mưa, tui không biết núp đâu cứ để mặc cơn mưa xả xuống giữa niềm sợ hãi và cơn đói cùng cái lạnh. Tiếng kêu tui oai oái giữa trời đêm dường như bị tiếng mưa át mất. Tui run rẩy dưới ánh điện đường trong cơn mưa.Tuyệt vọng!

Một chiếc xe máy dừng lại, người trên xe cuối xuống chìa tay ôm tui. Cái ấm của lòng bàn tay con người ấy tui cảm nhận còn hơn cái ấm của mẹ tui trong những lúc sởi ấm anh em tui dù thân tui còn run bần bật. Người đó ôm tui, lau khô rồi bỏ vào cốp xe chạy đi. Tui ngồi trong cốp xe bụng đói cồn cào nhưng ấm. Không gian tối thui nhưng trong tui ánh lên tia hy vọng, chắc tui sẽ có được cái để ăn.
Người í mang tui về nhà đưa tui vào một cái hộp đựng áo rách làm giường ngủ cho tui. Ỏng đi tìm thức ăn, bỏ vào chén để trong hộp. Đói. Tui ăn ngấu nghiến. Thức ăn chi không biết nhưng ngon, ngon lắm! Đến nỗi cả cuộc đời sau ni tui không bao chừ có lại được bữa ăn ngon như rứa. Đơn giản vì tui đói quá mà!

Sáng hôm sau vì tui mà có sự tranh cãi và to tiếng. Ông í là ông chủ nhà, có lòng thương cứu tui giữa trời khuya nhưng vợ ổng, là bà chủ thấy tui gớm ghiếc biểu ông liệng tui đi đâu thì liệng. Tui không thể nói bằng ngôn ngữ loài người chỉ biết nhìn ông chủ bằng đôi mắt sợ sệt và van lơn. Thằng con trai ổng, học cấp 2, là sau ni tui mới biết, thấy tui cũng phun nước bọt, bịt mũi như muốn ném tui ra khỏi đôi mắt cận 3 độ đi – ốp của nó. Số phận tui coi như xong khi bà chủ bắt tui bỏ vô trong cái giỏ để đi vứt đâu đó.

Tui hồi nớ không biến cầu trời cầu phật là chi, chỉ biết nghĩ đến đói, khát và lạnh như hồi hôm mà kinh. Tui không có ý thức chi hết. Vì nhỏ quá mà! Nhưng đêm trải nghiệm vừa rồi cộng với bản năng cho tui biết thế nào là khiếp sợ.
Đúng lúc đó một người trong gia đình xuất hiện. Đó là cô bé tật nguyền đi trên chiếc xe lăn. Có lẽ vì nghe cả nhà cãi ỏm tỏi về tui nên cổ bị đánh thức từ phòng ngủ lăn xe ra ngoài. Cô bé nhìn tui bằng ánh mắt cảm thương tội nghiệp. Sau đó cô bé nói là để tui lại cho cô bé. Cả nhà đều im. Lời cô bé như một mệnh lệnh không ai dám cãi. Tui được đem ra khỏi giỏ và về lại cái giường ấm hồi hôm ông chủ làm cho. Tui cám ơn Cô Chủ Nhỏ (tui gọi Cô Chủ Nhỏ bắt đầu từ đó) bằng cái vẫy đuôi ríu rít là kiểu bày tỏ lòng biết ơn của loài chó.
…….
Đó là đoạn tuổi thơ kinh hoàng nhứt trong đời tui. Sau đó, dù tui có gớm ghiếc nhưng Cô Chủ Nhỏ một lòng thương yêu tui. Cô tắm rửa cho tui. Lần đầu tiên trong đời tui được đối xử bằng lòng thương yêu mà ngay cả mẹ tui cũng không dành cho tui trước đó. Nước mắt tui ứa ra. Cô Chủ Nhỏ bảo ba cổ mua thuốc ghẻ, thuốc lác về xức đầy mình tui. Tui đau lắm, rát lắm nhưng tui không kêu, không ẳng. Tiếng kêu đau của tui sẽ làm lòng Cô Chủ Nhỏ quặn lại. Tui biết rứa! vì cổ luôn dành cho tui tình thương bằng những cái vuốt ve, và tiếng gọi trìu mến. Cổ đặt cho tui tên Lu.

Tui đã vượt qua nỗi đau và bệnh tật, thân thể mỗi ngày được Cô Chủ Nhỏ chăm sóc và luôn chia xẻ phần ăn của mình cho tui nên tui lớn lên và đẹp mã.
Tui thương Cô Chủ Nhỏ lắm! Mà tui không biết tại răng cổ bị teo hai chân không đi được nên cứ phải ngồi xe lăn? Cả nhà sáng ra là ai đi phần nấy đến trưa, đến tối mới về. Trong nhà chỉ còn tui với Cô Chủ Nhỏ. Tui vui đùa làm trò cùng cổ. Cô Chủ Nhỏ vui lắm cứ bày tui đủ thứ trò tui làm được cô cứ cười khanh khách.

Hóa ra sự có mặt của tui trong gia đình này đã đem lại nhiều tiếng cười vì tui đã làm vui Cô Chủ Nhỏ. Mà hình như cổ là báu vật của gia đình này nên ai cũng dành cho cổ lòng yêu thương. Thấy cổ vui ai cũng vui. Nhờ rứa tui cũng được thương lây. Thằng anh cổ dù ghét tui đến mấy nhưng thấy em mình vui cũng không dám nạt nộ tui. Mà lỡ có nạt nộ là bị cái mắng từ Cô Chủ Nhỏ nên hắn cũng biết sợ.

Sau ni tui lớn Cô Chủ Nhỏ bày tui, dạy tui nhiều thứ lắm! Dạy tui cách ăn cách đi vệ sinh và thậm chí dạy cho tui hiểu tiếng người. Cô Chủ Nhỏ với tui là chị là thầy còn cổ luôn coi tui là bạn. Tình bạn cổ dành cho tui đầy tình thương và trách nhiệm. Có hôm tui bị Tào Tháo rượt đến bỏ ăn. Cổ cũng buồn không ăn. Cổ nằng nặc bắt ông chủ đưa tui đi bác sĩ chó để khám và trị bệnh. Tui khỏi bệnh cổ mới chịu ăn.

Tui cám ơn cuộc đời này đã cho tui từng là một chú chó ghẻ lở. Vì ghẻ lở nên mới bị tống ra khỏi nhà để may mắn tui được về với Cô Chủ Nhỏ, về với vòng tay yêu thương và trìu mến của một tấm lòng người dành cho kiếp chó như tui. Trong mắt Cô Chủ Nhỏ chưa bao tui là chó mà luôn được coi là bạn.

Tui đâm ra thương và kính trọng con người. Họ thiệt vĩ đại! Họ không chỉ biết yêu thương đồng loại mà còn thương và tôn trọng đến cả loài chó như tui. Bởi suy nghĩ như rứa nên từ bản năng loài chó hễ thấy ai lạ là sủa tui thấy con người là cứ thân thiện vẫy đuôi.

Bữa nớ cô chủ còn đang ngủ, tui chạy ra vườn làm một phát ị. Nhà đi vắng hết, chợt có hai người đàn ông lịch thiệp lắm! Họ đi xe máy lại mở cổng. Tui nghĩ chắc là bà con thân thiết chi của ông chủ nên ngồi trong hiên nhìn ra vẫy đuôi thay cho lời chào thân thiện. Họ đẹp quá! lịch lãm quá! Con người thật tuyệt! Lúc đó trong đầu tui chỉ toàn ý nghĩ ngưỡng mộ. Một người đi vào, nhìn tui. Tự nhiên phóng ra một phát gậy trúng vào đầu tui. Tui chỉ kịp kêu lên một tiếng “ẳng” rồi ngất lịm. Thằng người í tóm thân xác mềm oặt của tui nhảy lên xe máy chạy vù biến mất.

Lúc tui tỉnh lại, thiệt ra tui không còn tỉnh nữa mà hồn tui tỉnh thì đúng hơn. Thằng người đập tui chết rồi! Tui đau đớn nhận ra tui không còn trên dương gian. Hồn tui phiêu diêu, tui về lại nhà. Cô Chủ Nhỏ vẫn chưa thức dậy. Đống máu từ đầu tui vẫn còn tươi rói. Tui muốn vào nhà gọi Cô Chủ Nhỏ nhưng một ai đó ngăn không cho tui vào. Tui tru lên những tiếng kêu âm hồn của một ma chó nhưng nào ai biết, ai nghe! Tiếng tru đau thương đến tận cùng, tui khóc nhưng làm chi có nước mắt?

Tui lang thang đi tìm thân xác mình. Hai thằng đập tui, mang tui đến Quán Thịt Cầy, môt thằng giơ hàm răng trắng hếu cười với lão chủ quán rồi đổi thân xác tui với mấy đồng bạc.Chiều đó xác tui bị thui vàng ươm, đám người xì xụp ăn, gặm thịt tui, xương tui, nốc vào người những cuốc rượu rồi khề khà thích thú khen ngon. Tui tởm lợm. Hóa ra loài người cũng lắm kẻ đáng kinh tởm.

Đêm đó tui là ma chó, tui về lại ngôi nhà Cô Chủ Nhỏ. Cô khóc ngất lắm lần. Nước mắt cô hình như khô đặc, giọng cô khàn đi khi gọi tên tui: Lu ơi! Lu ơi! Tiếng gọi của cô đau nhói giữa trời đêm.

Ngày mai, và ngày mai nữa, trên chiếc xe lăn ấy Cô Chủ Nhỏ đã mồ côi tui. Niềm vui của một cô bé tàn phế chỉ biết gởi niềm vui cùng tui, người bạn nhỏ bốn chân đã bị chính loài người của cô giết mất.
Tại răng lại rứa? Tui có tội tình chi? Tui chỉ biết sống thân thiện, với tình yêu của loài chó để ngày lại ngày đem chút niềm vui cho Cô Chủ Nhỏ tàn phế vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Tại răng có người lại tàn nhẫn đến rứa? Lẽ nào chỉ vì lý do đáng ghê tởm: Thịt tui thơm, hay xác chết tui đổi được mấy đồng bạc?
Tui là loài chó, chính xác là ma chó không biết đâu là câu trả lời.

Tui không khóc được, bởi tui là hồn ma. Ai đó thương tui khi đọc truyện này hãy khóc giùm tui giòng nước mắt dành cho Cô Chủ Nhỏ. Tui cám ơn thật nhiều.

Em về cùng giấc chiêm bao

Như một giấc mơ, em chợt đến bên đờ.
Ta bồng bềnh giữa Cõi Thiên Thai
Có ai bảo giấc mơ đời là thực?
Ta là ai? và em đã là ai?

Em là ai? sao chợt đến giữa đời.
Đời rất thực và em về rất thực
Đêm bên em, nghe niềm riêng thao thức
Môi em mềm hay giọt rượu ta say!

Em là vầng trăng, là cánh hoa rừng
Dung dị quá mà ngọt ngào hương sắc
Đôi mắt em, cả trời xanh trong vắt
Tóc em đùa làm gió phải hờn ghen.

Nào có phải kiếp nào ta đã đợi
Nên hương tình giờ cứ tựa chiêm bao
Em đâu hẹn nhưng rồi em đã tới
Vỗ hồn ta về tận cõi xôn xao

Em đi rồi, như cơn mơ tan giấc
Chỉ còn ta đau đáu vọng chờ em
Giấc mơ hoang dẫu hư mà rất thực
Để tim ta xao xuyến những nỗi niềm

Tháng 9/2016

Mùa thu và Biển

By Võ Nhất Thủ

Em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại
Em mang theo mùa thu
Anh nghe lòng tê tái

Biển chiều nay mênh mông
Cánh buồm xưa xa mãi
Sóng bạc đầu nhớ mong
khoét lòng bờ đau nhói

Ngày xưa chưa ra biển
Tưởng rằng biển lặng im
Biển,
Mùa thu
và Sóng
Cồn cào nỗi nhớ em.

Ta hóa kiếp dã tràng
Cát xây thành nỗi nhớ
Đợi cánh buồm xa xưa
Sóng vô tình đánh vỡ.

Chỉ còn hương mùa thu
Rơi sắc vàng trên sóng
Ta chờ em, chờ em
Bên Biển Đời vô vọng

ĐN 11/9/2016

Viết với mùa thu

By Võ Nhật Thủ

Ta đợi mãi một mùa thu dang dỡ
Ngày chia xa  em biền biệt bên trời
Để ta lại, Mùa Thu và Nỗi Nhớ 
Áng mây chiều năm tháng cứ chơi vơi.

Ánh mắt cũ giờ về đâu em nhỉ?
Đắm giùm ta một sắc nhớ thu xưa
Thu mộng mị, tương tư từ dạo ấy
Để ai gieo sắc nhớ tự bao giờ

Em về đâu? mang theo mùa thu ấy
Ta gọi tìm, em đi mãi, Về đâu?
Những mùa thu đi qua rồi trở lại
Để ta chờ ướt đẫm mấy mùa ngâu

Ta chờ em
Chờ em…
Mùa thu xưa xa ngái
Lá vàng rơi lay lắt những heo may
Em lỡ hứa mà sao không trở lại?
Để mùa thu thành nỗi nhớ đong đầy!

(ĐN 11/9/16)

Bảo tàng Quang Trung?

Ngày đầu năm này, lần đầu tiên tui đến nơi hằng mong ước Tây Sơn – Bình Định để hiểu thêm, biết thêm về Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Bảo tàng Quang Trung, một không gian rộng lớn, yên bình. Những ông, những bà cao cấp TW đã từng về đây tên tuổi họ được gắn cùng cây lưu niệm. Bảo tàng được xây dựng trên chính khu vườn của thân sinh ba anh em lãnh đạo phong trào Tây Sơn lịch sử.
Bảo tàng to thiệt! nhưng các bảo vật trong các phòng trưng bày nghèo nàn quá! Chỉ một mớ kiếm cùn rỉ rét, một vài khúc gỗ, còn lại là sa bàn khu vực hoặc các tranh ảnh…. Các tàng thư của một thời hào hùng lẽ nào Nguyễn Ánh – Gia Long sau khi diệt nhà Tây Sơn đã đốt hết rồi hay sao mà không thấy?

Vào đây kẻ hậu sinh như tui được chiêm bái và ngưỡng mộ một tượng thần của lịch sử: Nguyễn Huệ – Quang Trung để theo dòng lịch sử tui được tự hào với những chiến công oanh liệt gắn liền với tên tuổi người anh hùng.
Đó là trận Rạch Gầm – Xoài Mút chỉ một đêm với tài thao lược, đã cho 5 vạn quân Xiêm chôn mình nơi kênh rạch. Một chiến dịch thần tốc chỉ hơn 30 ngày với 1 vạn quân đã diệt gần 3 vạn quân Thanh khiến Tôn Sĩ nghị phải hồn xiêu phách lạc, Sầm Nghi Đống phải treo cổ chịu phận với đám xương tàn nơi gò Đống Đa.
Nhờ có vậy mà khách tham quan như tui tạm quên đi một đoạn lịch sử bi thương của dân tộc là cảnh chém giết, tranh dành quyền lực chia cắt đất nước mang đến cảnh nồi da, xáo thịt để đau thương theo lịch sử phải trãi dài trên 200 năm, để tạm quên đi cảnh trả thù voi dày, ngựa kéo của Gia Long – Nguyễn Ánh trong ngày khải hoàn diệt vong nhà Tây Sơn.

Trở về với tên gọi. Tại răng lại gọi là Bảo tàng Quang Trung?
Nơi đây là nơi phát tích của phong trào Tây Sơn mà vị thủ lĩnh là người anh cả Nguyễn Nhạc kia mà?
Nguyễn Huệ dù tài ba đến cỡ nào thì với phong trào Tây Sơn Nguyễn Huệ cũng chỉ là vị tướng, với gia đình Nguyễn Huệ cũng là người em. Từ kế sách, chiến lược ban đầu để phong trào Tây Sơn tạo thế chân vạc với Trịnh Nguyễn hai đầu công vẫn là thủ lĩnh anh cả Nguyễn Nhạc. Từ khổ nhục kế để chiếm thành Quy Nhơn hay sách lược: Bắc hòa Trịnh, Nam phạt Nguyễn vẫn là kế sách chiến lược mang đậm dấu ấn của lãnh tụ Nguyễn Nhạc.
Quốc có quốc pháp, gia có gia phong. Nguyễn Nhạc đã lên ngôi hoàng đế, đã phong cho Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương vậy Nguyễn Huệ lấy tư cách gì mà tự mình lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung? Lịch sử viết lại rằng lên ngôi là để thuận với lòng dân, vậy nếu Nguyễn Huệ không lên ngôi hoàng đế mà nhận (hoặc báo với Nguyễn Nhạc) đưa đại quân dẹp giặc Thanh là không thuận với lòng dân, không thuận với lẽ trời? Lịch sử hình như quá thiên kiến. Phải vậy không?
Việc Nguyễn Huệ đem quân về vây khốn anh mình ở thành Quy Nhơn là đỉnh điểm của bất hòa nội bộ nếu bình tâm mà xét thì nguyễn Huệ có… anh hùng hay không?
Nguyễn Huệ anh hùng nhưng Nguyễn Huệ không là lãnh tụ. Đất dựng tượng hay bảo tàng anh hùng xứng đáng hơn có thể là Rạch Gầm – Xoài Mút là Thăng Long – Hà Nội nới gắn liền với 2 chiến công hiển hách hoặc là Phú Xuân – Huế, nơi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ không coi anh mình ra gì đã tự mình xưng đế.
Còn nơi đây, Tây Sơn là của 3 anh em Tây Sơn tam kiệt, là Nhạc – Huệ – Lữ chứ đâu phải là nơi riêng của một Nguyễn Huệ anh hùng?

Với tui, bảo tàng Quang Trung nên thay là Bảo Tàng Tây Sơn mới hợp lẽ, mới là chính danh với lịch sử. Và, có thể, dưới suối vàng kia hồn thiêng 3 anh em dù có bất hòa lúc sinh thời cũng được mỉn cười vì sự trân trọng của lớp hậu sanh.

Tui không là nhà sử học, không là người gắn tên mình trên cây lưu niệm. Tui là tui, chỉ là khách tham quan tìm đến cội nguồn của phòng trào Tây sơn để chiêm bái và tỏ lòng ngưỡng mộ vùng đất đã tạo nên thân thế sự nghiệp của 3 anh hùng.
Việc đặt tên thế nào là của người có chức có quyền, còn câu hỏi vì răng là của tui. Không biết ai về với Bảo tàng Quang Trung có cùng suy nghĩ với tui không?

Với tui, trong đêm dài lịch sử, nơi bầu trời Tây Sơn, ba vì sao hiển hách của một thời vẫn tỏa sáng. Vì sao Nguyễn Huệ có sáng hơn nhưng ánh hào quang vẫn không thể làm lu mờ vừng sáng của hai vì sao anh em còn lại. Nếu thiếu 1 trong 3 vì sao ấy, liệu lịch sử có một phòng trào Tây Sơn, có được một vì sao Nguyễn Huệ anh hùng?

Từ biệt bảo tàng, không nén hương tui xin chắp tay trước tượng thờ ba anh hùng cầu khấn cho lịch sử dân tộc này được sang trang để con cháu các vị anh không phải hổ thẹn với các nước láng giềng.
Giặc bên ngoài vẫn cứ lăm le, đất nước đang cần lắm một Phong trào Tây Sơn, cần lắm một anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ.

01/01/2016