• Chuyên mục

  • Bài Được Chú ý

  • Blog Stats

    • 62 035 hits

Hội làng lương thiện

By Võ Nhật Thủ from Đời Cười ký sự

Hội xuân năm ni làng tổ chức rôm rả lắm!
Tiếng trống tiếng phèng tùng xèo, nhộn nhịp.
Bữa ni dân làng trẩy hội để xem cuộc thi ai lương thiện nhứt.

Cả làng vui kinh! Tại vì ai cũng được quyền bốc thăm nếu trúng từ số 1 đến số 3 là được tham gia. Bởi rứa nên ai cũng hăm hở lắm!

Ban giám khảo cuộc thi là quan phụ mẫu, các vị chức trách và trưởng các hội, là người của làng. Người đoạt giải là người lương thiện được cả Ban giám khảo công nhận.

Thăm được phát ra, nhiều người ỉu xìu, có người ré lên sung sướng.
Xong đợt phát thăm, Ban giám khảo gọi người số 1 lên tham gia trước.

Cả làng dán mắt xem thử là ai? Hóa ra là mụ Điếm. Mụ có chút nhan sắc, vì tên Điếm buộc vào đời nên mụ làm nghề bán trôn nuôi miệng mà dân gian quen gọi là đĩ.
Mụ Điếm ỏng a, ỏng ẹo đi lên cầm cái loa chỏ xuống ban giám khảo, xuống khán giả:
– Kính thưa Hội làng! Em là Điếm, ả điếm, nghề của em nghe có vẻ không được sạch nhưng thiệt tình em là người lương thiện. Ai cần cái nớ thì em bán, tiền thiệt cái nớ cũng thiệt. Đạo đức nghề nghiệp của em là thuận mua vừa bán, tiền trao cứ vào mà… múc! Em không lừa ai nhưng không để ai lừa mình. Đồng tiền của em kiếm được bằng chính cái trôn của em nhưng tiệt không lừa phỉnh, gian dối….

Chưa dứt lời, một vị quan trong làng đứng dậy xua tay:
– Thôi, thôi! Xuống! xuống! Đã đĩ trôn lại còn đĩ miệng! Chị lừa được mấy gã thừa tiền, thiếu tình chứ không lừa được Ban giám khảo đâu nhé!

Tội cho mụ Điếm, mụ đi xuống lặng lẽ vì chẳng ai tin.

– Người mang số 2! Giám khảo gọi to.

Đó là em Hoa của làng. Em bước lên tà áo lả lơi, phất phới. Em đẹp lồ lộ khiến bao thanh niên của làng phải lác mắt. Làng ni ai cũng biết em, người đẹp nhưng lại thích lăn tăn. Thích trai làng này, làng nọ. Vì ở làng ai cũng biết tẩy em nên em ít sống ở làng, nghe nói em lên mô trên tỉnh làm nghề thời trang chi đó.

Em cầm cái loa nói bằng giọng thị thành không phải giọng của quê làng.
– Kính thưa Ban giám khảo, kính thưa Hội làng. Em vừa tham gia cuộc thi hoa hậu, em đã mang cái đẹp trinh trắng của người con gái lương thiện làng mình để giới thiệu với thiên hạ gần xa….

Em chưa dứt lời một vị giám khảo đứng dậy e hèm :
– À, thì ra là cô ! Dạo ni báo làng, báo tỉnh nói miết về cái việc cô gian dối khai là mình còn trinh, còn trắng nhưng ở làng ni ai cũng biết cô tằng tịu hết thằng ni đến thằng kia. Cô lừa được Ban tổ chức cuộc thi trên nớ chứ không lừa được ban giám khảo của làng đâu he ! Làng biết cô rồi ! Mời cô xuống cho !

Đến lượt người số 3.
Đó là cựu quan chánh án, người phì nộn, mắt hi hí, đã rứa cái mặt đầy thịt còn che gần kín đôi mắt nên cựu quan nhìn ai cũng bé tẻo teo. Quan bước lên, bệ vệ như hồi còn đương chức không cần thưa gửi ai:
– Báo với Ban giám khảo làng là tui nói rất thật. Cả đời làm quan tui chỉ biết bổng lộc trên ban còn luôn nhủ mình sống ngay thẳng, lương thiện, trong sạch không tham ô, hủ hóa…..

Cựu quan chưa hết lời, tiếng huýt sáo, tiếng la ó của dân làng phản đối kinh lắm ! Một người làng đứng ra :
– Vậy thưa ngài! Lương, lộc đời làm quan được bao lăm quan mà lúc giải quan tiền mô ngài xây cái dinh thự to đùng cuối làng ?
– Tiền nớ, thiệt ra là tiền của…. em gái kết nghĩa tui cho.
– Ha, ha… Ngài lừa được ai chứ không lừa được Công Lý tui đâu !
– À, thì ra ông là Công Lý, là thằng chuyên đóng vai hề chèo của làng đó phải không ?
– Đúng !
– Nói ông đừng buồn. Hồi tui còn đương chức, tui luôn coi Công Lý là thằng hề không hơn không kém. Còn bản chất hồi làm quan của tui có lương thiện hay không hãy để Ban giám khảo đánh giá.

Ban giám khảo vị ni ngó vị tê, vị tê ngó vị ni cuối cùng các vị cùng gật gật mấy phát.

Vậy là giải lương thiện được trao cho vị cựu quan. Ai cũng biết nhưng chẳng ai dám cãi trừ anh hề Công Lý.

Bình luận về bài viết này